Có những loại chất liệu rèm vải nào?
Trong thiết kế, trang trí nội thất gia đình việc chọn lựa chất liệu rèm vải phù hợp cũng giúp cho căn nhà của bạn thêm hoàn hảo đối với từng phong cách riêng của nó. Làm sao chọn được chất liệu hợp với phong cách nội thất nhà bạn đồng thời phù hợp với kiểu rèm mà bạn đã chọn, điều đó quả thât không đơn giản. Dưới đây là những chỉ dẫn của Rèm Hướng Dương sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trước khi chọn chất liệu cho vải rèm.
1. Vải cotton: Là loại vải được làm từ bông. Vì được làm từ chất liệu tự nhiên có đặc tính mau khô, hút ẩm, tạo một sự thông thoáng, mát về mùa hè và ấm cho mùa đông nên vải cotton thích hợp để làm rèm cửa, chăn, drap, gối. Ngoài cotton 100% ra còn có loại cotton pha với chất liệu tổng hợp khác (polyeste) để tạo nên 1 loại vải không nhăn để cho dễ dàng trong việc sử dụng như giặt, ủi. Thông thường vải cotton dễ bị co rút và dễ nhăn hơn so với các loại vải khác. Nên khi sử dụng loại vải này ta phải chú ý và phải hiểu đặc tính của nó để bảo quản rèm cho tốt.
2. Vải bố: Là loại vải dày, thường là vải trơn, không có hoa văn, nhưng màu sắc đa dạng, có nhiều màu sắc từ màu nhạt đến màu mạnh, vải bố là loại vải sần sùi, không phải bóng mịn như các loại vải lụa tơ tằm hay taffeta, tuy nhiên vải bố tuy mộc mạc, nhưng mang một nét hiện đại, vì vậy khi làm rèm cửa bằng vải bố rất thích hợp với các không gian hiện đại, những ngôi biệt thự theo kiểu phương tây, đơn giản trong đường nét thiết kế, một điều nữa là các ngôi biệt thự cho người nước ngoài thuê thường hay sử dụng vải bố làm rèm cửa , màu sắc hay được chọn là màu trắng hay kem. Đó là một cách sử dụng sự tối giản trong trang trí nội thất nhưng cũng mang đến một nét riêng đặc thù mà không loại vải nào có được.
3. Vải voan (voil,sheer): Là loại vải mỏng, nhẹ dùng làm lớp trong của rèm vải 2 lớp, một lớp gấm dày để che nắng, còn một lớp voan bên trong để trang trí. Rèm vải voan được dùng Ở các cửa sổ lớn nhìn ra sân vườn để thư giãn ngắm nhìn hoa lá cỏ cây bên ngoài. Riêng đối với các căn hộ cao cấp ở các tòa nhà chung cư cao tầng nên làm rèm cửa 2 lớp để khi ta vén lớp dày ra, còn 1 lớp voan mỏng phấp phới để có thể nhìn toàn cảnh xung quanh, mà còn có thể che chắn không cho bên ngoài nhìn thấy rõ được bên trong nhà, tạo một cảm giác nhẹ nhàng nhưng không trống trải.
Vải voal thường có khổ cao 2,8 m, chất liệu 100% polyeste, có nhiều màu sắc để lựa chọn nhưng đa số màu trắng hoặc kem là thường được sử dụng nhất, vì các màu đó nhẹ nhàng dễ dàng kết hợp với các màu sắc khác của lớp dày bên ngoài. Voal có nhiều loại: voal nhăn, voal hoa, voal trơn (không có hoa văn), voal kẻ, voal thêu...
4. Vải Lụa: Là một loại vải mịn, mỏng được dệt bằng tơ. Loại lụa tốt nhất được dệt từ tơ tằm. Người ta nuôi tằm (Bombyx mori), lấy tơ xe sợi dệt thành lụa. Do có cấu trúc dạng lăng kính tam giác, lụa phản chiếu ánh sáng chiếu vào nó với nhiều góc độ khác nhau tạo nên vẻ óng ánh đặc trưng. Thường dùng làm rèm cản sáng, cản nắng, hiệu quả đạt 100%
5. Vải taffeta: Là loại vải mỏng có độ cứng, hơi đơ nên hay được dùng làm túi xách thêu tay, khăn trải bàn, làm gối trang trí . Trong rèm cửa taffeta thường được dùng để phối màu trên đầu rèm hay hai bên biên của rèm, kích thước được phối khoảng 20-30 cm tùy theo chiều cao và chiều rộng của tấm màn, vải taffeta rất đa dạng về màu sắc nên dễ dàng kết hợp với các loại vải khác tạo nên một nét riêng. Vải taffeta có độ phản chiếu ánh sáng rất mạnh. Khi có ánh đèn hay ánh sáng tự nhiên chiếu vào vải sẽ phản chiếu lại tạo ra một màu sắc khác rất huyền ảo lung linh mà không loại vải nào có được.
6. Vải Satin: Là loại vải có chất liệu chính là lụa tự nhiên, mang lại sự sang trọng nhưng không kém phần trẻ trung. Tuy nhiên, đây là loại vải khó tính vì có độ bóng. Nên dùng ở phòng ngủ hoặc phòng trẻ em.
Kết hợp với satin mềm mại thường có thêm những đường ren điệu đà và lớp voan mỏng, những nút thắt nơ làm tăng vẻ nhẹ nhàng. Có thể kết hợp với các chất liệu khác để cân bằng độ bóng của satin như cotton.
7. Vải Đũi: Là loại vải tơ tằm, chất liệu hơi thô giống như bố nhưng mềm và mịn hơn. Đũi tự nhiên được dệt từ sợi và nhuộm bằng trái mặc nưa nên cho ra những sản phẩm rất mộc mạc, tự nhiên mang một nét sang trọng khó tả. Vải đũi thường có khổ rất nhỏ khoảng 90cm nên khi làm rèm phải nối lại nhiều khổ với nhau, do là chất liệu mềm mại khi may lên bộ rèm buông rủ, trông rất đẹp và lãng mạn .
Một số lưu ý khi sự dụng vải đũi: vì được dệt bằng chất liệu tự nhiên nên vải rất dễ bị co rút nên khi may chúng ta phải cộng trừ hao. Và khi giặt vãi đũi chúng ta phải giặt bằng dầu gội đầu, phơi ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không được ủi do vải dễ bị biến dạng co rút, sử dụng vải đũi rất cực. Một khi sử dụng quen rồi ta mới cảm nhận những nét đẹp chân quê nhưng sang trọng của nó.
8. Vải Nhung: Là loại vải dày, nặng nhưng sờ vào rất mềm, mịn, trong trang trí nội thất ngày xưa vải nhung hay được dùng trong các cung điện, hoàng cung và các nơi trang trọng. Ngày nay vải nhung còn được đưa vào trang trí ở các ngôi nhà cá nhân, tuy nhiên không phải nơi nào cũng có thể đưa vải nhung vào được, chỉ những căn nhà biệt thự lớn mang nét cổ điển sang trọng, những gian phòng lớn như phòng khách, phòng giải trí. Về công năng vải nhung có khả năng cách âm, cản sáng rất tốt.